Đã khuya lắm rồi mà tôi vẫn không sao dỗ giấc nên quyết định xuống nhà, mở cửa ra ngồi hút thuốc. Người phụ nữ trên gác kia đã chìm vào mộng đẹp từ lâu. Đó là cô bạn đời của tôi – danh xưng mà tôi thường dùng để chỉ người vợ không chính thức, sống với nhau giống như gá nghĩa. Theo lời kể thì cô ấy bị chồng bỏ rơi để chạy theo bóng hồng khác. Lúc mới quen nhau người chồng ấy chỉ là thầu san lấp mặt bằng, kiểu chủ thầu nhỏ được các tay thầu lớn khoán lại mấy dịch vụ khó xơi sau khi họ nhận hợp đồng của công ty chính thức. Về sống với nhau rồi, sự nghiệp anh chồng đột nhiên phát triển nhanh chóng mặt, để rồi chỉ một bước mà lên thành giám đốc công ty dịch vụ san lấp mặt bằng tầm cỡ. Nhưng thói đời an no rửng mở, chưa gì mà người chồng ấy đã trở thành kẻ phụ bạc. Không có đăng ký kết hôn nên cuối cùng người vợ ấy phải ra đi với một khoản tiền được coi là “bù đắp”. Cuộc đời giun rủi thế nào mà tôi lại quen cô ấy để rồi về với nhau thấm thoát cũng sắp tròn năm. Chúng tôi sống cũng vui vẻ lắm, một phần cũng nhờ cô ấy có năng khiếu rất kỳ lạ là biết được ý nghĩ của đối phương. Nhưng gần đây hạnh phúc ấy đang bị đe dọa với sự xuất hiện trở lại của anh chồng cũ. Cuộc trò chuyện vừa rồi giữa chúng tôi về đề tài này khiến tôi chán nản, gần như bế tắc. Đời tôi sao khốn khổ thế, đường tình duyên luôn trắc trở gập ghềnh.
Tôi cứ ngồi nghĩ ngợi lan man trong khu phố trọ buồn lạnh vắng. Tiếng côn trùng rả rít đâu đây khiến lòng tôi càng thêm cô quạnh. Tôi chợt nhớ cô vợ cũ và biết bao kỷ niệm buồn cứ thế tràn về.
Tôi sống với vợ đến ngày hai đứa con trưởng thành thì chia tay. Sau này khi bình tâm lại tôi mới hiểu thật ra cô ấy là người vợ, người mẹ tốt, chỉ phải tội là không tâm lý, hay tìm cách qui trách nhiệm, chì chiết chồng trong lúc sa cơ lỡ vận. Có đôi lúc một mình cô đơn, tự dưng tôi muốn trở về mái ấm. Dù chẳng còn mặn nồng thương yêu nhưng cái nghĩa vợ chồng cũng còn sâu nặng lắm. Nhưng tự ái đàn ông đã kìm giữ tôi, để rồi sáng ra tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh, tôi quên hết. Nhiều lần khác, tôi lại cảm thấy tự hào về lòng cao thượng của mình, ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Ở toà, khi được hỏi về vấn đề phân chia tài sản, tôi hào phóng khoát tay: “Dạ không cần đâu. Tôi để cho cổ hết”. Hai đứa con tôi đã lớn và rất hiếu thảo. Chúng cũng không trách gì cha mẹ, thậm chí còn cho rằng chuyện chia tay là cần thiết. Nỗi niềm tự hào đó luôn đeo đẳng tôi, khiến tôi cảm thấy hành động quay về, tái hợp sẽ vô cùng lố bịch, còn tệ hơn khi “thần tượng sụp đổ”.
Tôi nhớ gần hai mươi năm vợ chồng tôi ít xảy ra va chạm gì lớn, có lẽ vì tôi làm nghề lái xe tải chở hàng, xa nhà suốt. Ngày đứa con gái đầu lòng chào đời, tôi ở tận Cà mau. Đứa con gái thứ hai – cũng là con gái út – thì sinh ra ở quê ngoại, tận Nha trang. Vợ chồng tôi sống khá hạnh phúc trong mắt bà con, hàng xóm và khi chia tay cũng êm thấm không ai biết. Tôi là người chồng không dính vào tứ đổ tường, có được bao nhiêu tiền là mang hết về cho vợ. Khuyết điểm lớn nhất của tôi là không biết giữ gìn sức khỏe – ăn uống tuỳ tiện và chưa hề tập thể dục cho đến ngày mang bệnh tiểu đường tuýp 2, biến chứng qua mắt. Tôi bị đục thủy tinh thể, giảm thị lực đến phải bỏ nghề. Cả một năm thất nghiệp ở nhà tôi mới thấm thía mấy từ “vợ là oan gia” trong câu danh ngôn nhà Phật: “Con là nợ; vợ là oan gia; cửa nhà là nghiệp báo”. Dù không phải là kẻ tu hành nhưng tôi vẫn cảm nhận càng ngày bà vợ mình càng giống oan gia vì cứ gần nhau là bực mình, cãi cọ. Tôi cũng hiểu chẳng qua do ngày xưa tôi là kẻ sống mà không biết đến ngày mai, nên lúc này mới dễ đâm ra thất chí. Gần như mọi sự chuẩn bị cho ngày mai ấy là trách nhiệm của vợ tôi. Tôi đã khoán hết cho cô ấy. Không làm lái xe được nữa, tôi chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau mà không nghề nào ổn định, do tôi không thích, do lương thấp, do không chịu nổi những lời gay gắt của chủ. Và nhất là do…vợ tôi. Cô ấy mắc bệnh sĩ diện rất nặng. Tôi làm nhân viên sai vặt cho công ty xe du lịch, làm bảo vệ công trường, làm công nhân ánh sáng cho đoàn phim, thậm chí làm phụ hồ – tất cả mấy công việc ấy tôi đều giấu vợ. Nhưng “giấy làm sao gói được lửa”- rồi bữa kia cũng bị vợ phát hiện. Tối đến, chờ con cái ngủ hết, vợ tôi khều tôi ra hàng hiên ngồi nói chuyện:
- Ông làm nghề gì thì làm nhưng đừng bỉ mặt tôi chớ!
Tôi không muốn tranh luận nên nói lãng:
- Mai tôi nghỉ chỗ đó rồi. Để từ từ tìm việc khác.
Vợ tôi nói khẽ nhưng giọng điệu khá nghiệt ngã:
- Ông làm tài xế gần hai chục năm, như người ta thì giờ đã là chủ xe rồi.
Nhắc tới chuyện này tôi phát bực:
- Hồi đó tôi kêu mua xe, ai cản vậy?
Vợ tôi khựng một chút rồi lại tiếp:
- Ông muốn làm gì bằng tiền chung thì phải có kế hoạch đàng hoàng, phải giải trình, thuyết phục được tôi chứ.
Nghe vợ tôi nói năng có vẻ văn hoa chữ nghĩa tôi ghét quá, giả bộ ngáp dài:
- Thôi đi ngủ. Mệt trong người quá.
Làm vợ chồng dễ mà khó, khó mà dễ. Nhiều lúc ta cứ mơ “có phép” để biết được đối phương đang nghĩ gì, thật ra không cần thiết. Theo suy nghĩ mạo muội của tôi ,chỉ cần vợ chồng hiểu tánh của nhau, nói gì, làm gì cũng cố gắng đừng xâm phạm vào điều tối kỵ của đối phương, vậy là đủ. Ví dụ, vợ tôi là người học thức cao nên nói năng phải khác với người ít học như tôi, nhưng cô ấy cần phải hiểu sự tế nhị đó để kìm bớt lại. Ví dụ khác: vợ tôi là người trọng hình thức, bởi vậy tôi phải hiểu rằng mình có thể “một bước lên voi” mà sẽ cực kỳ khó khăn nếu chỉ một lần “xuống chó”. Vợ chồng tôi cũng hiểu nhau lắm, chỉ tội là “cái tật lớn hơn cái tài” nên cuối cùng rồi cũng phải kết thúc sống chung.
Lúc vợ chồng tôi ly hôn, con gái lớn đã gã được cho nhà khá giả, được bên chồng yêu thương quý mến. Âu cũng là phần phước của nó. Vợ tôi sống với con gái út còn tôi ra ngoài thuê phòng trọ. Thắm thoát mà cũng đã hơn hai năm rồi. Thời gian trôi nhanh quá. Lúc tôi trở lại làm cho công ty xe du lịch, lần này được “lên chức” quản lý đội xe, thì quen được cô giao dịch viên cũng đã ly hôn. Có lẽ do có chung tâm trạng “một thời lỡ bước” nên chúng tôi mau chóng thân nhau. Còn nhớ hôm đó đã hết giờ làm việc mà cô ấy còn chưa về nên tôi vào phòng hỏi:
- Sao em chưa về?
Cô bạn tôi nở nụ cười gượng gạo:
- Em đang suy nghĩ xem sẽ về đâu đêm nay.
Tôi hơi ngạc nhiên, dù hôm qua có nghe cô bạn kể chuyện tìm người ở ghép cho đỡ tốn tiền nhà nhưng lại gặp nhằm người đồng giới:
- Chưa giải quyết xong hả em?
Cô bạn tôi chỉ tay vào chiếc và li to đùng nơi góc phòng làm việc:
- Giải quyết xong hết rồi nên giờ mới nhức đầu nè.
- À, sáng giờ anh không để ý. Còn phòng trọ anh giới thiệu em thì sao?
- Nếu không tìm người ở ghép thì giá đó cao lắm anh. Mà giờ tự nhiên em sợ phụ nữ quá. Hay là…anh ở với em đi.
Tôi cười khoái chí:
- Vậy cũng được hả? Ha ha…
- Thiệt đó. Thà vậy còn hơn…Em không giận ghét gì nhỏ bạn cả, chỉ là không thích thôi. Em “chuẩn woman” mà.
- Cái gì…”man”?
- Anh thiệt không biết hay làm bộ chọc em đó? Có nghĩa em là phụ nữ…
- Biết rồi. Vậy để anh điện cho bà chủ nhà coi em đến ở liền đêm nay được không. Mà anh nói trước, nếu ông chủ công ty này không chịu tìm người trực ca đêm thì em phải ở một mình đó.
- Sao cũng được, miễn là anh chịu share tiền phòng trọ.
Không hiểu sao ngay lúc ấy tôi lại nghĩ đến tiền lương tháng của mình, dù tôi đang “mở cờ trong bụng”. Nhưng cô bạn tôi chừng như đang “đi guốc” trong đó nên vội nói:
- Em đùa thôi. Từ đây mình sẽ có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhen anh.
Tôi nghe lòng vui rộn rã vì lâu rồi mới được nghe phụ nữ nói những lời tình tự.
Vậy là chúng tôi về sống chung và đã có với nhau một năm dài hạnh phúc, cho đến một ngày người chồng cũ của cô ấy xuất hiện. Nhưng anh ta chẳng làm gì cả, chỉ muốn liên lạc để giúp đỡ cô ấy. Chuyện này cô ấy không hề giấu tôi mà kể hết, từ chuyện anh chồng cũ làm ăn thất bại, chuyện ly hôn vợ sau, chuyện tuổi cô vợ khắc anh ta, chuyện thầy nói người vợ cũ mới hạp mạng khiến anh ta giàu có. Tôi không nói gì cả, chỉ hỏi cô ấy một câu:
- Em có muốn quay lại với anh ấy không?
Lần đầu tiên từ ngày quen nhau tôi thấy cô ấy ngập ngừng:
- Em cũng không biết nữa.
Nhưng tôi biết. Bởi vì khi một người phụ nữ chịu nhận sự giúp đỡ vật chất của người đàn ông, mà người đó lại còn là người đã từng đầu ấp tay gối, thì chắc rằng họ đang tiến dần đến chuyện tình cảm. Tôi ôm chiếc gối, quay đầu vô vách sau khi giả bộ ngáp dài:
- Anh thì tuỳ em thôi, nhưng có gì nhớ cho anh biết trước.
Tôi buồn lắm, trằn trọc suốt đêm, hút thuốc liên tục. Tôi mở cửa, bắc ghế ngồi trước thềm nhà khu phố trọ, bực mình khi thấy sao cô bạn đời của mình dễ ngủ quá. Rồi tôi nghĩ về tương lai của mình khi một ngày gần tới đây sẽ trở về cuộc sống như trước, nghĩa là lấy công ty làm nhà, lấy một góc khuất trong sân làm bếp.
Nghĩ ngợi lan man đến đỗi cô bạn đời của tôi bước xuống từ gác xép lúc nào tôi cũng không hay. Nghe cô ấy nói từ sau lưng tôi mới giật mình:
- Hút thuốc nhiều quá vậy anh?
Rồi cô kéo chiếc ghế nhỏ ngồi xuống cạnh tôi, vuốt mái tóc loà xoà trên trán tôi, âu yếm:
- Mai hớt tóc đi anh. Dài lắm rồi đó. Mà…sao anh chưa ngủ? Buồn em hả?
Tôi giả bộ thờ ơ:
- Buồn gì đâu. Tại hồi chiều uống nhằm ly cà phê xịn nên không ngủ được.
Cô bạn nghiêng đầu, ghé sát mặt vào nhìn tôi, cười ghẹo:
- Thiệt không buồn hôn?
Tôi làm thinh, cúi đầu dụi dụi điếu thuốc bỏ vào chiếc vỏ lon nước ngọt. Cô bạn ôm vai tôi:
- Chắc nghĩ đến chuyện em bỏ anh trở lại chồng cũ chứ gì?
Tôi nói như hờn:
- Không phải sao? Hỏi em muốn gì, em nói không biết.
Cô bạn nép người vào tôi, cười nho nhỏ:
- Không biết là không biết đó. Anh phải cho em ý kiến của anh mới được chứ. Chừng nào anh nói thương em quá, không muốn xa em thì em mới biết.
- Biết gì?
- Biết là em cũng không muốn xa anh. Mà…anh biết tại sao đêm nay anh thì khó ngủ còn em thì dễ ngủ không?
- Tại sao?
- Vì trong đầu em không có tạp niệm.
- Tạp niệm là cái gì?
Tôi hỏi một câu cho có hỏi rồi ôm sát cô bạn đời bé nhỏ vào lòng. Chữ “tạp niệm” gì đó nghe văn chương triết lý quá khiến tôi chợt nhớ về người vợ cũ với chút niềm thương cảm. Nhưng tình yêu thật kỳ lạ, chỉ có một mà thôi.
SĨ HUỲNH
(23/3/2017)
P/S: Cà phê sáng vừa nãy tôi đưa anh bạn đạo diễn đọc truyện này. Anh hỏi:
- Có cần thêm ít dòng về cha mẹ, anh em của cô bạn đời ấy không?
Tôi ngẩn người ra giây lát:
- Chắc để phần 2!
Bạn tôi cười:
- Có phần 2 nữa hả? Vậy chuyển thể thành kịch bản phim luôn đi, tôi góp ý bổ sung thêm cho.
- Tôi thử viết kịch bản phim rồi mà không thành công. Chắc còn phải luyện tay nghề thêm nữa.
- Ừ, nghề gì cũng phải chịu khó tôi luyện.